Khi trưởng ban an toàn giao thông cũng bị phạt vì nồng độ cồn

Trong nỗ lực tăng cường xử lý vi phạm an toàn giao thông, nhất là liên quan đến nồng độ cồn, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đã cử 6 tổ công tác đến một số địa phương trong toàn quốc.

Kết quả ban đầu là các tổ công tác đã phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Đáng lưu ý, có 88 trường hợp vi phạm là công chức, viên chức, bộ đội, công an, nhà báo, thậm chí có cả giáo viên dạy lái xe.

Một số lái xe khi vi phạm có khai nhận là bí thư, chủ tịch huyện hoặc một số cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu, trong số đó có chủ tịch, kiêm trưởng ban an toàn giao thông một huyện ở tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Vị này thanh minh rằng, vào trưa 16-9, ông có uống hai lon bia tại một đám tiệc rồi về nhà nghỉ ngơi. Đến khoảng 23h cùng ngày, ông lái xe riêng đi đón con đang đi học thêm về nhà, gặp chốt kiểm tra nồng độ cồn của cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. Ông nghiêm chỉnh chấp hành và bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn với 0,064mg/l khí thở. “Bản thân tôi cũng đã chủ quan, cho rằng mình chỉ uống ít bia lúc trưa và đã ngủ, nghỉ nhiều tiếng đồng hồ nên hết cồn, mới tự lái xe đi đón con”, ông nói lại trên báo.

Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn với Trưởng ban an toàn giao thông huyện ở Thừa Thiên Huế. (Ảnh: CACC)

Việc “vi phạm nồng độ cồn với 0,064mg/l khí thở”, quả thật, không biết là ít hay nhiều mà định lượng. Nó tương đương với nửa ly rượu hay nửa lon bia? Nhưng thông tin của vị quan chức này, rằng uống 2 lon bia buổi trưa, đến 23 giờ cùng ngày, tức 12-13 tiếng sau đó, vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở, thì rõ ràng là quy định rất khắt khe.

Và việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng với trường hợp của ông rõ ràng là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, như Bộ Công an cam kết.

Nhưng trường hợp nêu trên không phải duy nhất. Tối 14/9, Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bị Tổ công tác số 3 của Bộ Công an phối hợp với Công an TP Phan Thiết kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe ô tô tại địa bàn TP Phan Thiết.

Tại Quảng Ninh, Tổ công tác số 1 của Bộ Công an cũng đã phát hiện 2 cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm nồng độ cồn. Tại Hà Nội, Tổ công tác số 2 của Bộ Công an đã phát hiện các lái xe là cán bộ công an cấp quận đã vi phạm nồng độ cồn. Tại Đà Nẵng, Tổ công tác số 3 của Bộ Công an đã phát hiện 1 trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an vi phạm nồng độ cồn.

Khi phát hiện các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, chiến sĩ công an, các đoàn kiểm tra đều xử lý nghiêm và gửi thông báo về đơn vị.

Những vụ việc nóng hổi nêu trên cho thấy một thực tế, cán bộ dù là lãnh đạo cơ quan, địa phương nếu không gương mẫu chấp hành luật pháp, không sớm thì muộn cũng sẽ “dính bẫy” bởi sự coi thường kỷ cương pháp nước.

Điều khiến dư luận đánh giá cao trong đợt tổng kiểm tra lần này là việc công khai tên tuổi, chức vụ, nghề nghiệp cá nhân vi phạm nồng độ cồn bất kể người đó là ai. Ngoài xử phạt hành chính, cơ quan chức năng còn gửi thông báo về nơi làm việc của người vi phạm để có hình thức xử lý tại cơ quan.

Năm 2023 được Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, chọn là năm cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi kế hoạch tổng kiểm tra của Cục Cảnh sát Giao thông được triển khai, một sự chuyển biến thực sự đã diễn ra trong nhận thức của cộng đồng: đã uống rượu bia thì không lái xe.

Đại đa số người dân tự giác chấp hành, không vì ham vui uống một ly rượu hay cốc bia dẫn tới vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông mà phải trả tiền triệu, thậm chí là hàng chục triệu đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai ai cũng ý thức được như vậy. Không ít người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định nhưng khi bị lực lượng chức năng “tuýt còi” thì lại có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, thậm chí là chống lại người thi hành công vụ.

Người dân, quan chức cần ý thức rõ là những biểu hiện như vậy luôn được ghi nhận, báo cáo bởi Bộ Công an đã khẳng định việc xử lý vi phạm là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Sau ba tháng đầu năm triển khai tổng kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, có khoảng 40% số vụ TNGT, 11% số người chết có liên quan rượu, bia.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, trong quý I/2023, toàn quốc đã xảy ra 28 vụ việc chống người thi hành công vụ. Đáng nói, có hơn 50% số vụ xảy ra khi tài xế bị kiểm tra nồng độ cồn.

Đó là những con số đáng báo động trong “cuộc chiến” nói không với rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Khoảng 40% số vụ TNGT, 11% số người chết có liên quan đến rượu, bia càng khiến mọi người cảm thấy bất an hơn mỗi khi tham gia giao thông.

“Không có ngoại lệ, không có vùng cấm” là phương châm làm việc của các tổ công tác do Bộ Công an thành lập trong thời gian gần đây.

Phương châm đó đã được minh chứng bằng việc xử lý các vụ vi phạm nồng độ cồn mà đối tượng là cán bộ lãnh đạo địa phương và cả một số cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an mà báo chí đã phản ánh trong những ngày qua.

Sự xuất hiện tổ công tác của Bộ Công an ở các địa phương trong thời gian qua chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng nể nang trong xử lý vi phạm nồng độ cồn của công an địa phương. Nhưng vai trò của các tổ công tác không thể thay thế lực lượng cảnh sát giao thông địa phương.

Để lực lượng CSGT tại chỗ hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài sự nỗ lực hết mình, sự tuân thủ triệt để nhiệm vụ được giao, sự vận dụng nghiêm minh luật pháp của các cán bộ, chiến sĩ ra thì rất cần sự đồng lòng, chung sức của mọi thành viên trong xã hội.

Cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là những cá nhân giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của các ban ngành, địa phương, cán bộ chiến sĩ quân đội, công an phải gương mẫu trong sinh hoạt đời thường, trong việc thực hiện kỷ cương phép nước.

Nghị định 100/2019/NĐ đã tăng mức xử phạt nhưng tỷ lệ tai nạn do uống rượu, bia vẫn cao. Cần có các biện pháp cứng rắn hơn như tăng mức xử phạt, tăng thời gian giữ Giấy phép lái xe, thậm chí, còn phải phạt tù những trường hợp lái vi phạm nồng độ cồn như nhiều quốc gia đã làm.

Các chuyên gia về giao thông cho rằng, các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm. Việt Nam cũng sẽ đi theo hướng này, vấn đề chỉ là thời gian, thời điểm thích hợp để thay đổi.

Phạt tù, dù chỉ tính bằng ngày, bằng tháng, cũng khiến cho người ta “sợ rượu bia” hơn là phạt tiền, cho dù là phạt đến hàng chục triệu.

Nguồn : https://vietnamnet.vn/khi-truong-ban-an-toan-giao-thong-cung-bi-phat-vi-nong-do-con-2192264.html

Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *